Nhà thờ Cam Ly có 1-0-2 độc nhất dành cho đồng bào dân tộc

Cùng ghé thăm nhà thờ Cam Ly, hay còn gọi là nhà thờ Sơn Cước, một điểm tham quan kiến trúc hấp dẫn và cực kỳ nổi tiếng tại thành phố Đà Lạt. Bên cạnh chức năng chính là phục vụ các hoạt động công giáo chủ yếu cho các giáo dẫn là người K’Ho bản địa, du khách cũng có thể đến nơi đây để kiếm cho mình những bức ảnh cực kì độc nhất. 

Thông tin chung về nhà thờ Cam Ly

Địa chỉ: Số 1 đường Nguyễn Khuyến, phường 5, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Liên hệ số điện thoại: 0971968099

Giờ hoạt động: 6 giờ sáng đến 21 giờ tối

Email: [email protected]

Hướng dẫn đường di chuyển đến nhà thờ Cam Ly

Chợ Đà Lạt → bùng binh đường 3 tháng 2 →  Hải Thượng → Trần Bình Trọng → Nguyễn Khuyến

nhà thờ Cam Ly ở phía bên tay phải.

Tham khảo kinh nghiệm thuê xe máy Đà Lạt giá tốt nhất cho chuyến du lịch của mình nhé

Chiêm ngưỡng kiến trúc của nhà thờ Sơn Cước tại thành phố sương mù

Cùng là sự giao thoa giữa kiến trúc nhà Rông truyền thống của đồng bào Tây Nguyên và kiến trúc nhà thờ theo phong cách Pháp cổ, nhà thờ Cam Ly lại gây ấn tượng bằng hai bên mái cách điệu được xây thật cao, dốc lợp bằng 80.000 viên ngói lá (ngói liệt) có trọng lượng lên đến 90 tấn do linh mục người Pháp Boutary và nhà thầu xây dựng Nguyễn Thanh Hồ bắt tay vào thực hiện công trình theo trường phái thô mộc này từ năm 1960  đến năm 1968 mới hoàn thành.

Nhà thờ Cam Ly có 1-0-2 độc nhất dành cho đồng bào dân tộc

Mái chính của nhà thờ cao hơn 17m được thiết kế đặc biệt với 80.000 viên ngói phẳng có gờ móc đục lỗ, để khi lợp lên có thể luồn dây kẽm buộc dây kẽm buộc chặt vào rui mè (lito). Nhìn từ xa mái nhà thờ Cam Ly giống như một chiếc búa khổng lồ vắt ngang lên trời như để minh họa lại một trong các công cụ thô sơ của người đồng bào thiểu số nơi đây. 

Nhà thờ Cam Ly có 1-0-2 độc nhất dành cho đồng bào dân tộc

Hệ thống khung nhà có kết cấu chính làm từ cột bê tông cốt thép trần cao 3m và có kích thước là 20cm x 50cm, được liên kết chặt chẽ với kết cấu đỡ mái là hệ giàn kèo gỗ ghép vượt khẩu độ 12m trông rất ấn tượng. Nhà thờ được xây với những bức tường bằng đá hoa cương xanh, dày 40cm cao 2m, bao bọc hai bên bởi hai hàng thông, nên khi du khách đến đây sẽ luôn cảm nhận được một sự mát mẻ bên cạnh tiết trời dễ chịu của thành phố Đà Lạt. 

Sảnh chính bên trong nhà thờ được lát đá, rộng 324m2, chia làm ba phần, một phần được thiết kế dành cho cung thánh và hai phần còn lại được sử dụng cho các tín đồ cầu nguyện. 

Xung quanh nhà thờ được bố trí hệ thống cửa kính màu xanh – nâu – vàng cùng với những hoa văn cách điệu từ văn hóa Tây Nguyên mà chủ đạo là những hình tròn, hình vuông và hình tam giác – tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng và những vì sao hành tinh Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ… bao xung quanh Trái Đất. Đối xứng phải trái là 16 bức tranh đá trong đó có 14 bức diễn tả các chặng thương khó của Chúa Jesus và ngày ngài thọ nạn, phục sinh…

Phía trên cung thánh là một bàn thờ dài 4m, rộng 1m được làm từ gỗ thông phơi khô 15 năm lấy từ rừng trên đỉnh Langbiang, Dưới cây thập tự giá, trên các vách tường đá đều có gắn 3 cái sừng trâu – đại diện cho con vật biểu tượng đặc trưng của công việc thu hoạch và sản xuất; “con trâu là đầu cơ nghiệp” 

Ở trước sảnh nhà thờ có dựng tượng hai con thú, một bên là con cọp tượng trưng cho sức mạnh và sự bảo vệ, một bên là con chim phượng hoàng tượng trưng cho sự thông thái và sự đề phòng trước mọi nguy hiểm sắp tới. Theo khía cạnh tôn giáo, con cọp có thể coi là phần con, phần bản năng của con người và phượng hoàng là phần người, khôn ngoan hơn và được hoàn thiện bởi chúa. 

Một điều độc đáo khi kể đến quá trình xây dựng công trình này: Khi hoàn thiện nhà thờ, nhà thầu còn để thừa lại 8.000 viên ngói và cả nhiều những tấm cửa kính phòng khi cần tu sửa còn có vật liệu để thay thế. Cũng có thể nói rằng, nhà thờ Cam Ly cho đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính và hoang dã của mình, không phải trùng tu, sửa chữa lần nào với kết cấu vững chắc của mình.

Tuy được xây dựng từ giữa thế kỷ XX nhưng nhà thờ Cam Ly lại sở hữu những bức tượng cổ kính có bề dày lịch sử lên đến hàng trăm năm. Trong số những công trình kiến trúc công giáo xuất hiện tại thành phố ngàn hoa từ những năm 1920 cho đến nay, nhà thờ Cam Ly được xây dựng dành riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Cho nên nhà thờ mang một sắc thái độc đáo khác hẳn với các giáo đường dành cho người Kinh khác.

Những người kiến tạo nên nơi đây đã thể hiện sự “hội nhập văn hóa” giữa tư duy mộc mạc, tự nhiên của đồng bào với triết lý tôn giáo sâu sắc qua phương diện kiến trúc và nghệ thuật sắp đặt khi cho gương mặt chúa trời hòa nhập với gương mặt của Yàng (trời) mà những người dân nơi đây đã nghìn năm sùng bái.

Nhà thờ Cam Ly và mái ấm gia đình

Bên cạnh là một nơi cho các hoạt động động công giáo hay tham quan du lịch, du khách đến đây sẽ rất ngạc nhiên về một góc đời thường nhưng cũng đẹp đẽ đáng yêu không kém. Theo chia sẻ của Sơ Đào (người phụ trách nhà thờ), nơi đây đã cưu mang nuôi dạy nhiều thế hệ trẻ em đồng bào dân tộc nghèo trong vùng và xung quanh. Từ năm 1990 đến nay, các sơ đã đi về nhiều những buôn làng dân tộc ở Đam Rông, Di Linh và đưa những trẻ em nghèo về cưu nuôi và hỗ trợ các em đi học từ lớp 1 đến khi vào đại học. 

Lứa này lớn lên đủ tuổi trưởng thành rời khỏi nơi đây thì lứa khác lại đến, nhà thờ giống như một đại gia đình của các em, luôn giúp đỡ và che chở cho các em. 

Kể từ đó đến nay, nhà thờ Cam Ly vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của nó như thuở ban đầu. Đến đây, du khách sẽ không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình kiến trúc nhà thờ Sơn Cước, mà còn thấy được cái đẹp của tình người, của tình thương, của tấm lòng các sơ, các dì đã dày công chăm sóc nuôi dạy bao thế hệ trẻ em dân tộc đồng bào thiểu số, giúp các em nên người.

Trên đây là những gợi ý của Yeudalat.com cho những ai muốn đi du lịch nhà thờ Cam Ly tại Đà Lạt – thành phố sương mù. Theo dõi blog để biết thêm những thông tin bổ ích khác và lên cho mình những hành trình du lịch thật khó quên tuy nhiên vẫn phải lưu ý bảo vệ sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh trong thời điểm này nhé.

5/5 - (1 vote)

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Managed by kynangquantri.com
DMCA.com Protection Status